Bốn Thỏa Ước
Bốn Thỏa Ước
Làm chủ giấc mơ cuộc đời
Thực hành Bốn Thỏa ước để cuộc sống trở nên viên mãn
Có một câu chuyện rất hay: Chúa Giê-su nói với các môn đồ rằng lời nói của Ngài giống như hạt giống và Ngài gửi hạt giống đi khắp nơi. Một số hạt rơi trên đá và không bao giờ nảy mầm. Một số hạt rơi vào đất màu mỡ trên bề mặt nhưng bên dưới cứng khô, chúng nảy mầm, nhưng sớm chết đi. Rồi cũng có những hạt giống rơi vào nơi đất đai màu mỡ, chúng phát triển mạnh mẽ thành cây lớn. Và ta sẽ nhìn quả mà biết cây.
Bạn có thấy phép ẩn dụ này hay không? Thật tuyệt vời khi thấy biết bao nhiêu người thực hành Bốn Thỏa ước đã phát triển thành cây đơm hoa kết trái.
Hãy hình dung nếu bạn có thể sống trong một xã hội nơi Bốn Thỏa ước là thói quen, là cách sống của mọi người. Hãy hình dung bạn sống trong một xã hội nơi mọi người đều thực hành tình yêu cho đến khi nắm vững được tình yêu. Điều đó sẽ xảy ra, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Một giấc mơ mới đã xuất hiện trên thế giới này, sẵn sàng được con người mơ ước, giấc mơ sạch-ký-sinh-trùng.
Mặt trời đã thay đổi, ánh sáng đã thay đổi. Giờ, chỉ cần con người mơ giấc mơ mới. Bằng cách sử dụng Bốn Thỏa ước trong chính cuộc sống của mình, chúng ta có thể sửa đổi giấc mơ riêng, và giấc mơ riêng mới của ta sẽ sớm sửa đổi giấc mơ xã hội (giấc mơ trần thế). Chúng ta không cần phải cố sửa đổi giấc mơ xã hội. Điều ấy sẽ xảy ra một cách tự nhiên như kết quả từ sự biến đổi của chính ta.
Quyết định tập trung vào sự tự do của chính mình không phải là ích kỷ, mà đó là món quà lớn nhất mà ta có thể trao tặng cho nhân loại.
Thực hành Bốn Thỏa ước cùng bạn làm chủ giấc mơ cuộc đời như thế nào?
Trong cuốn sách thực hành bạn đang cầm trên tay, trước khi nói về việc áp dụng Bốn Thỏa ước, chúng ta sẽ đi sâu khám phá về nhận thức. Ta muốn nhận thức được điều gì? Trong Phần I, chúng ta tập trung vào ba điều:
1. Khổ đau của con người bắt đầu từ sự thuần hóa. Khi ta còn nhỏ, người khác đã thu hút sự chú ý của ta và dạy ta mơ theo cách mà xã hội đang mơ. Sự chú ý của ta đã lần đầu tiên được sử dụng để tạo ra giấc mơ đầu tiên trong đời như vậy.
2. Con người có khả năng sáng tạo, nhưng chúng ta lại đầu tư năng lực ấy vào hệ thống niềm tin. Sức mạnh của ngôn từ, cũng giống như ý định, ý chí, đức tin và tình yêu của chúng ta, bị mắc kẹt trong một cấu trúc niềm tin cứng nhắc. Bởi thế, ta có rất ít sức mạnh để thay đổi giấc mơ của mình.
3. Chức năng của tâm trí con người là mơ, nhưng ta đã học cách mơ mà không nhận thức. Một khi nhận thức được rằng mình đang mơ, ta sẽ thức dậy khỏi giấc mơ và giành lại sức mạnh để thay đổi giấc mơ bất cứ khi nào ta chọn.
Khi phát hiện ra mình có khả năng tạo một giấc mơ về thiên đàng, ta muốn thay đổi giấc mơ, và Bốn Thỏa ước là công cụ hoàn hảo cho việc đó.
Sang đến Phần II, chúng ta khám phá một số cách để làm chủ nghệ thuật mơ:
4. Sử dụng ý chí và sự chú ý lần thứ hai. Trong giấc mơ của sự chú ý lần hai, bạn chọn tin vào những gì bạn muốn tin, bao gồm cả tin vào chính mình.
5. Sử dụng Bốn Thỏa ước để thay đổi hành động –phản ứng của bạn. Mọi lựa chọn của bạn đều có hậu quả hoặc kết quả. Khi thay đổi hành động, bạn thay đổi kết quả và thay đổi giấc mơ của đời mình.
6. Sử dụng bám – buông để quy thuận thần chết. Thần chết có thể dạy ta sống trong giây phút hiện tại thay vì quá khứ hoặc tương lai. Khi hướng sự chú ý của bạn vào thời điểm hiện tại, bạn sẽ có thể tận hưởng cuộc sống mãnh liệt hơn bởi vì bạn đang sống trọn vẹn.
Cuốn sách thực hành này sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin về hai bậc thầy đầu tiên (Bậc thầy Nhận thức - Bậc thầy Chân lý và Bậc thầy Chuyển đổi), nhưng thông tin thôi chưa đủ. Thông tin chỉ là hạt giống trong tâm trí. Điều thực sự tạo ra khác biệt là hành động. Nếu bạn Thực hành Bốn Thỏa ước, bạn sẽ thuần thục Bốn Thỏa ước.
Cuối cùng, sau nhiều lần được áp dụng lặp đi lặp lại, những thỏa ước sẽ trở thành thói quen, và bạn sẽ thấy cuộc sống của mình biến đổi.