Cha Mẹ Non, Con Lớn Dại
Cha Mẹ Non, Con Lớn Dại
“CHA MẸ NON, CON LỚN DẠI” của nhà tâm lý học lâm sàng Lindsay C. Gibson.
“Cha mẹ Non, con lớn dại” lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại Việt Nam, 2020
Sự thờ ơ về cảm xúc thời thơ ấu dẫn đến cô đơn cảm xúc rất đau khổ, tác động tiêu cực lâu dài đối với những lựa chọn của một người trong các mối quan hệ và người thân. Cuốn sách này mô tả cái cách mà cha mẹ non cảm xúc đã ảnh hưởng tiêu cực đến con cái, đặc biệt là những đứa trẻ nhạy cảm. Cuốn sách còn chỉ cho bạn cách tự chữa lành những nỗi đau và dày vò bắt nguồn từ việc cha mẹ bạn từ chối những hành động tình cảm thân mật.
Cha mẹ non cảm xúc sợ thứ cảm xúc chân thật và rút lui mỗi khi cần gần gũi cảm xúc. Họ sử dụng các cơ chế đối phó để cưỡng lại thực tế hơn là xử lý nó. Họ không thích việc tự phản chiếu, vì vậy “họ hiếm khi nhận lỗi và xin lỗi. Sự non nớt khiến cho họ không nhất quán, không đáng tin về mặt cảm xúc và mù tịt về nhu cầu của con cái mỗi khi họ xem nhu cầu của chính mình mới là trên hết.” Trong cuốn sách này, bạn sẽ hiểu ra rằng khi cha mẹ non cảm xúc, nhu cầu tình cảm của con cái sẽ hầu như thất thế trước bản năng sinh tồn của chính cha mẹ.
Biết rõ những khác biệt của việc trưởng thành về cảm xúc giúp bạn hiểu được vì sao mình lại thấy trống vắng mặc dù những người khác đều khẳng định là họ yêu thương và gắn kết với bạn. Hy vọng những gì bạn đọc sẽ trả lời các câu hỏi mà bạn đã có trong một thời gian dài, chẳng hạn như tại sao các tương tác của bạn với một số thành viên trong gia đình lại mang nhiều đau đớn và khó chịu đến thế. Tin tốt là bằng cách nắm bắt khái niệm về sự non nớt trong tình cảm, bạn có thể đưa ra những kỳ vọng thực tế hơn về người khác, chấp nhận mức độ cho phép trong quan hệ với họ thay vì cảm thấy bị tổn thương bởi sự thiếu phản hồi từ họ.
Các nhà trị liệu tâm lý từ lâu đã biết rằng việc tách biệt cảm xúc với cha mẹ độc hại là cách để khôi phục sự an yên và độc lập. Nhưng làm thế nào để được như vậy? Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu những gì chúng ta phải đối mặt. Những gì còn thiếu trong các nghiên cứu về kiểu cha mẹ tự cho mình là trên hết chính là lời giải thích đầy đủ vì sao khả năng yêu thương của họ lại có giới hạn. Cuốn sách này lấp đầy khoảng trống đó, bằng cách giải thích đơn giản rằng những bậc cha mẹ này thiếu sự trưởng thành về cảm xúc. Khi hiểu được đặc điểm của họ, bạn sẽ có thể tự đánh giá chừng mực nào trong mối quan hệ của bạn với cha mẹ là không thể hoặc có thể. Khi biết được điều này chúng ta trở về với chính mình, sống cuộc sống sâu sắc hơn và đúng với bản chất của chúng ta thay vì để tâm vào các phụ huynh không chịu thay đổi. Hiểu được sự non nớt trong tình cảm của cha mẹ sẽ giải phóng chúng ta khỏi ốc đảo Cô Đơn khi ta nhận ra sự thờ ơ của họ không phải do ta gây ra, mà là bởi họ. Khi chúng ta hiểu vì sao họ không thể thay đổi, chúng ta có thể được giải phóng khỏi những bức bối khó chịu và những nghi ngờ về sự đáng yêu của chính mình.