Người đu diều- The kite runner
Người đu diều- The kite runner
Người Đua Diều tớ chỉ chốt lại bằng một câu, đây là một cuốn tiểu thuyết đầy tính nhân văn và cảm động viết về một tình bạn dị thường giữa Amir và Hassan, khác biệt nhưng cao quý.
Người Đua Diều dẫn dắt chúng ta theo chân một nhà văn gốc Afghanixtan tên là Amir trong cuộc hành trình tìm về quá khứ để xoá bỏ đi gánh nặng kí ức đã đay nghiến anh và hơn cả, là để chuộc tội. Những năm tháng tuổi thơ của Amir được sống trong nhung lụa và được hưởng một nền giáo dục tử tế. Tuy nhiên, Amir lại thiếu vắng đi tình thương của người cha, người mà lúc nào cũng đặt kỳ vọng vào cậu, ép khuôn Amir trở thành đúng như ông hằng ao ước. Chính bởi lẽ đó, Amir đã trở nên thân thiết với Hassan, một cậu bé giúp việc sống trong căn lều cạnh nhà cậu và cũng chính là người bạn thân thiết như hình với bóng của Amir hồi còn ấu thơ, như thể hai đứa trẻ đã được ràng buộc với nhau bởi sợi dây vô hình.
Cuộc sống của hai đứa trẻ gắn liền với những cuộc đua diều, những buổi dạo chơi loanh quanh nơi xóm làng hay cả những lúc Hassan đòi Amir đọc truyện cho cậu nghe. Những ngôn từ đẹp đẽ của câu chuyện nơi Amir hay cả sự tận tuỵ của Hassan dành cho Amir đã là một phần ký ức của tuổi thơ hai đứa trẻ. Tuy nhiên biến cố đột ngột xảy đến, khiến tình bạn của Amir và Hassan rẽ sang hai ngả riêng biệt.
Vì cậu, cả ngàn lần rồi.
Cuộc đua diều của những năm 70 chính là mở đầu cho chuỗi ám ảnh của Amir và cũng là dấu chấm hết cho nụ cười của Hassan.
Nhưng cuộc đua diều của rất rất rất lâu sau đó lại chính là dấu chấm hết cho quá khứ sai lầm của Amir, và cũng là mở đầu cho nụ cười của cậu bé Sohrab.
Bởi “luôn có một con đường tốt lành để trở lại.”
Khaled Hosseini đã dẫn dắt người đọc vào văn hoá, lịch sử hay cả vào những ký ức tuổi thơ xa xôi tại Afghanixtan, cùng mối liên hệ với những người Afghan thuộc chủng tộc Hazaras. Ngòi bút của Khaled đã phản ánh lại rất rõ sự kì thị chủng tộc tại Kabul thời ấy, về sự man rợ và tàn ác của loài người dành cho những con người Hazara, về sự tủi nhục tột cùng mà người Hazara đã phải gánh chịu suốt cả cuộc đời họ, về sự nghèo đói và túng thiếu hay cả những sinh mạng của họ bị coi như cỏ rác ngoài đường.
Ngôn từ đồ sộ nhưng cũng không kém phần giản dị, chất phác được chăm chút tỉ mỉ cùng văn hoá đậm chất vùng miền là điểm sáng cho Người Đua Diều. Ngoài ra, tình yêu thương con người cũng là điểm nổi bật xuyên suốt trong tác phẩm đầy tính nhân văn này.
Đó là hình ảnh cậu bé Hassan người Hazara, người cùng bú chung một bầu sữa mẹ với Amir, người dành trọn tuổi ấu thơ của mình vì Amir, người đã hy sinh cho Amir rất nhiều điều.
Đó là hình ảnh Baba – người cha của Amir luôn đứng về phe chính nghĩa bảo vệ những người yếu đuối. Rằng thực ra ông và Amir không hề khác nhau mà cả hai đều mang nỗi đau day dứt và một linh hồn bị hành hạ bởi quá khứ, rằng sự khắc nghiệt của ông dành cho đứa con trai hoá ra không phải bởi ông không yêu Amir, mà cũng chính là ông đang tự khắc nghiệt với chính bản thân mình, tự dày vò bởi tội lỗi năm xưa.
Đó là hình ảnh của Rahim Khan – người chú tốt bụng và thấu hiểu trọn vẹn Amir. Người chú đã luôn ở bên và chăm sóc cho Amir những ngày ấu thơ, là người đã củng cố và ủng hộ giấc mơ làm nhà văn của Amir và cũng chính là người đã mở ra con đường chuộc tội của Amir, giúp anh tỉnh ngộ và tìm lại được chính mình.
Đó là hình ảnh của Farid, gã tài xế thô kệch nhưng giàu lòng trắc ẩn đã cùng đồng hành với Amir, giúp anh trên cuộc hành trình trở về quê hương để chuộc lại sai lầm trong quá khứ.
Và đó cũng là hình ảnh của Amir, từ một cậu nhóc hèn nhát, luôn ăn năn trong mặc cảm tội lỗi nay đã tìm lại được chính niềm hạnh phúc, sự thanh thản trong chiếc diều của cuộc đời mình.